Giới trẻ Trung Quốc bỗng dưng thích lao động chân tay

admin avatar   
admin
Sau khi mặc bộ quần áo bảo hộ lao động màu xanh lam, Vương Tín Băng, 27 tuổi, trở thành nhân viên thu ngân tại một siêu thị thực phẩm tươi sống ở Bắc Kinh.
..

Sau khi mặc bộ quần áo bảo hộ lao động màu xanh lam, Vương Tín Băng, 27 tuổi, trở thành nhân viên thu ngân tại một siêu thị thực phẩm tươi sống ở Bắc Kinh.

Đây là vị trí mới thỏa mãn tiêu chí "để đầu óc bớt suy nghĩ" của cô sau khi bỏ việc một công ty lớn năm 2022. Công việc văn phòng trước đó khiến tinh thần Vương luôn căng thẳng, lo không đạt KPI, sợ bị sếp mắng hay tranh cãi với đồng nghiệp.

Việc mới đơn giản, rõ ràng, chỉ dùng tay chân khiến đầu óc Vương thảnh thơi. Cuối ngày làm việc, cô cảm nhận được hạnh phúc khi hoàn thành công việc. Giấc ngủ của Vương cũng dần cải thiện khiến làn da trở nên tươi sáng hơn trước.

Ngày càng có nhiều người trẻ tuổi giống Vương, trốn công việc văn phòng để lao động chân tay với hy vọng "cảm nhận được cuộc sống thực sự thông qua lao động thể chất".

Chàng trai trẻ có tên tiếng Anh là Funny tốt nghiệp một trường đại học nổi tiếng tại Vô Tích. Sau khi nghỉ việc tại công ty tài chính, anh bắt đầu làm nhiều việc bán thời gian khác nhau. Tháng 3, Funny làm nhân viên tại một tiệm rửa xe, thu nhập trung bình 480 tệ một ngày, cao hơn thời làm văn phòng.

Công việc mới không bắt Funny phải suy nghĩ nhiều. Anh chỉ muốn rửa xe, cuối ngày có thể nghỉ ngơi, đầu óc không còn vướng bận công việc. Anh tin rằng những mệt mỏi từ công việc lao động chân tay dễ giải quyết hơn mệt mỏi từ công việc văn phòng - những vướng bận dần tích tụ trong lòng mà chẳng thể tiêu tan.

Tháng 11/2022, một nhóm có tên "Liên minh khám phá hoạt động thể chất" xuất hiện trên mạng xã hội Douban của Trung Quốc, sau vài tháng đã có 30.000 thành viên, phần lớn là người đã tốt nghiệp đại học. Những người trẻ này đều nghỉ việc tại các nhà máy, công ty lớn và tham gia lao động chân tay như shipper, nhân viên dọn dẹp hay phục vụ nhà hàng, lễ tân với mong muốn "lập lại trật tự cuộc sống".

Việc chuyển từ công việc văn phòng sang "qing ti li huo" (lao động nhẹ) đang trở nên phổ biến trong giới trẻ ở nước này. Hashtag "trải nghiệm làm việc tay chân đầu tiên của tôi" đã có 30,3 triệu lượt xem trên mạng xã hội Xiaohongshu, nơi một số người dùng mô tả công việc mới của họ là "không có trí tuệ". Những công việc như vậy bao gồm làm quản lý tại một nhà hàng thức ăn nhanh, nhân viên phục vụ bàn và nhân viên dọn dẹp, hay bất cứ việc gì ngoại trừ việc ngồi trong văn phòng.

Dù vậy nhiều người trong số này thực sự chưa sẵn sàng để làm những công việc chân tay. Mọi người chỉ muốn tìm kiếm một công việc tạm thời mà không liên quan quá nhiều tới đầu óc, được nghỉ ngơi cũng như không phải chịu áp lực hay lo lắng quá nhiều. Tuy nhiên, những công việc chân tay đều yêu cầu phải có đủ thể lực, không những thế còn lặp đi lặp lại, đôi khi gây nhàm chán.

Trong nhóm, một thành viên từng tốt nghiệp đại học ở Tứ Xuyên đã chia sẻ ngày làm việc của mình tại một trạm phân loại chuyển phát nhanh. Anh dậy từ 5h, đến công ty lúc 7h và làm liên tục 12 tiếng trừ 30 phút nghỉ trưa. Công việc chính của người này là lật giở từng gói hàng để xem nhãn mác, đảm bảo thông tin được ngửa lên trên. Đối mặt với núi gói hàng, anh lặp đi lặp lại hành động này cả ngày. Những bưu kiện nhẹ còn dễ dàng, với bưu kiện nặng hơn 30 kg, rất khó khăn để lật lại.

Kết thúc ngày làm việc, chàng trai này có cảm giác "lưng sắp gãy đôi", đôi găng tay cũng bị mòn rách, ngón tay không thể duỗi thẳng. Khi tiền lương được thanh toán sau giờ làm, tay anh không khỏi run rẩy vì quá mệt.

"Tôi từng nghĩ làm việc chân tay để thư thả đầu óc, nhưng chưa bao giờ nghĩ chúng khiến tôi kiệt sức", chàng trai nói.

Trong chủ đề bỏ việc lao động trí óc để lao động chân tay trên hội nhóm Douban, nhiều người khẳng định sẽ có thể chất cũng như tinh thần tốt. Nhưng với Connie, một người vừa nghỉ việc tại công ty bất động sản để thành nhân viên bán quần áo "đó là tự lừa dối bản thân".

Công việc của cô là lặp đi lặp lại một hành động. Connie phải gấp hàng trăm chiếc quần mỗi ngày, chạy hơn 10.000 bước trong không gian rộng hơn 200 m2. Cô còn giúp khách hàng lựa chọn sản phẩm hàng ngày, lặp đi lặp lại những hành động giống nhau đến cả trăm lần. Sự nhàm chán không thể chữa khỏi bệnh lo lắng thái quá của cô gái này.

Tiểu Trần cũng từng là nhân viên truyền thông. Công việc của anh phải chịu áp lực rất lớn, thậm chí có ngày vừa làm vừa khóc. Sau khi nghỉ việc, anh kinh qua nhiều công việc khác nhau. "Tôi nghe nói có nhiều người tìm thấy chính mình nhờ làm thủ công ở tỉnh Giang Tây nên tôi cũng mua vé tới đó".

Đến nơi, Tiểu Trần cũng làm thử đồ gốm. Nhưng gốm rất dễ vỡ nên anh phải làm đi làm lại và giữ nguyên tư thế suốt cả ngày. Điều này còn tệ hơn nhiều so với việc ngồi vào bàn viết kịch bản. Mỗi khi trời lạnh, chân tay anh tê cóng, toàn thân đau nhức. "Giờ làm việc dài hơn giờ nghỉ. Tôi rất muốn quay lại làm việc văn phòng. Làm việc đó dễ hơn nặn đất rất nhiều", anh nói.

Bước vào một lĩnh vực trước đây chưa từng được biết đến với những ảo ảnh đẹp đẽ, phải đến khi thực sự lao động chân tay, nhiều người mới hiểu việc họ đang theo đuổi thực sự không dễ dàng. Đó không giống như những blogger video trồng hoa hái rau ngoài đồng và tận hưởng cuộc sống bình dị. Để nuôi sống gia đình, những lao động chân tay phải chịu đựng nắng gió, lòng bàn tay đầy vết phồng rộp, từng giọt mồ hôi được vắt kiệt ra khỏi cơ thể.

Lý Lượng từng giấu bằng đại học để trở thành công nhân dây chuyền lắp ráp. Nhiều đồng nghiệp của anh bắt đầu làm việc này sau khi tốt nghiệp cấp hai, nhanh hơn rất nhiều. Do hiệu quả công việc thấp, Lý bị đồng nghiệp tẩy chay, cô lập, thu nhập cũng thấp, chỉ kiếm được 3.000 tệ mỗi tháng. Không chịu được sự chèn ép của đồng nghiệp, anh bỏ làm công nhân và đến làm tại một cửa hàng tiện lợi. Trong mắt người quản lý, Lý quá chậm và thường xuyên bị chỉ trích. Khi lao động chân tay, lòng tự trọng của thanh niên này hết lần này đến lần khác bị ảnh hưởng.

Anh quyết định quay trở lại văn phòng khi phát hiện ra chân lý, thế hệ ông bà luôn hy vọng con cháu thoát khỏi lao động chân tay thông qua học hành vì đó là những công việc nặng nhọc, hao mòn cơ thể. Thậm chí họ hầu như không có cơ hội thăng tiến để thu nhập tăng lên, khả năng phát triển bản thân cũng gần như bằng không.

Cách đây vài năm giới trẻ Trung Quốc có trào lưu "nằm thẳng" khi một bộ phận giới trẻ từ bỏ công việc cạnh tranh, không chịu phấn đấu sự nghiệp, chấp nhận chi tiêu tiết kiệm để sống một cuộc đời thoải mái, ít phải lao động nhất.

Theo một chuyên gia tâm lý Trung Quốc, về bản chất, cả hai trào lưu này là sự từ chối tham gia công việc trí óc cường độ cao, không muốn vất vả cố gắng để sống một cuộc đời thảnh thơi. Những người trẻ cảm thấy vô nghĩa khi theo đuổi những định kiến về thành công truyền thống khi giá nhà, chi phí sinh hoạt ngày càng cao. Họ đã từ bỏ tham vọng, hạ thấp mục tiêu sống để giảm gánh nặng và không phải chịu cảm giác thất bại. Họ thường chọn những công việc làm ngắn hạn, thậm chí là nhận lương ngay trong ngày chỉ để sống cho ngày mai.

"Dù vậy, không phải những người trẻ này không đóng góp cho xã hội, họ chỉ thiếu động lực để cung cấp thêm giá trị.", vị chuyên gia tâm lý nói.

Vy Trang (Theo qq)

No comments found